Chia sẻ kinh nghiệm du lịch miền Tây sông nước cho bạn

Điểm đến   17:05, 12-10-2017, 855 lượt xem
Miền Tây sông nước là điểm đến đậm chất thôn quê bình dị với lối sống cởi mở, con người hiền hậu, cảnh vật nên thơ…

Bạn sắp có chuyến du ngoạn miền Tây sông nước cùng người thân? Bạn lo lắng chưa biết nên tìm hiểu thông tin, chuẩn bị những gì? Bài viết dưới đây, Travelmart.vn xin chia sẻ kinh nghiệm du lịch miền Tây sông nước cho bạn tham khảo!

Các tỉnh miền Tây còn được gọi là đồng bằng sông Cửu Long. Tên đầy đủ phải là miền Tây Nam Bộ nhưng thường được gọi tắt là miền Tây. Khu vực này gồm 12 tỉnh thành và 1 thành phố trực thuộc trung ương là: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Thời điểm lý tưởng để du lịch miền Tây

Miền Tây có khí hậu nắng ấm quanh năm, thời tiết ôn hòa, dễ chịu nên du khách có thể dễ dàng tham quan du lịch mùa nào cũng được. Cảnh vật miền Tây mỗi mùa một khác, với nét thú vị và đặc sắc riêng.

Du lịch miền Tây vào mùa hè, khoảng tháng 6,7,8 là mùa trái cây chín với hàng trăm loại khác nhau trải đều khắp các tỉnh thành của miền Tây.

Du lịch miền Tây mùa nước nổi, tầm tháng 9 đến tháng 11; lúc này đâu đâu cũng toàn là nước, tuy có hơi bất tiện vì không được tham quan nhiều nơi nhưng bù lại sẽ có nhiều hoạt động thú vị.

Du lịch miền Tây mùa giáp Tết, từ tháng 12 đến tháng 2 dương lịch là dịp để bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của các làng hoa nổi tiếng trong vùng.

Phương tiện di chuyển đến miền Tây

Để di chuyển đến các tỉnh miền Tây, bạn có thể đi bằng máy bay, ô tô hoặc xe máy.

Máy bay: bạn đi chuyến bay đến sân bay Cần Thơ, rồi từ đây bắt xe khách đi các tỉnh khác

Ô tô: bạn đi xe đến bến xe Miền Tây (395 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM), rồi mua vé đi các tỉnh miền Tây

Xe máy: phương tiện này thích hợp cho những ai xuất phát từ Sài Gòn hoặc những bạn thích phượt. Di chuyển bằng xe máy sẽ giúp bạn chủ động được thời gian, chủ động dừng, nghỉ ngơi và khám phá những cảnh đẹp trên suốt chặng đường đi.

Phương tiện di chuyển tại miền Tây

Để di chuyển tới các tỉnh miền Tây và các địa điểm mình cần, bạn có thể đi bằng xe máy, tàu thủy, ghe xuồng, cano,…

Lưu ý: nhớ đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi xe máy; mặc áo phao khi đi bằng đường thủy để đảm bảo an toàn.

Nơi lưu trú khi du lịch miền Tây

Hiện nay, du lịch miền Tây khá phát triển nên việc tìm chọn nơi lưu trú tại đây cũng không quá khó khăn. Nhà nghỉ, khách sạn ở miền Tây rất phong phú với chất lượng và mức giá phụ thuộc vào nhu cầu và túi tiền của bạn. Đặc biệt, người miền Tây vô cùng cởi mở, thân thiện lại hiếu khách nên nếu bạn muốn tiết kiệm có thể xin tá túc trong nhà dân, trên ghe tàu hoặc các cù lao cũng là điều có thể.

Những điểm đến không thể bỏ qua tại miền Tây

Miền Tây là tên gọi chung cho cả một vùng gồm 13 địa danh. Mỗi tỉnh ở đây đều có những nét thú vị, đặc sắc riêng. Tuy nhiên, đều mang đậm dấu ấn với những sản phẩm đặc trưng của vùng sông nước. Đến miền Tây vào mỗi thời điểm khác nhau sẽ có những trải nghiệm hấp dẫn không giống nhau. Cụ thể:

Mùa trái cây

Như đã nói ở trên, du lịch miền Tây vào mùa hè, khoảng tháng 6,7,8 sẽ được khám phá, thưởng thức những vựa trái cây thơm ngon, tươi xanh và cực kì bắt mắt. Đó là:

Miệt vườn Cái Bè, Tiền Giang

Cách Sài Gòn chừng 70km, miệt vườn Cái Bè thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm dọc theo bờ Bắc của sông Tiền. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với vựa trái cây lớn nhất miền Tây mà còn là điểm dừng chân tham quan của nhiều du khách mê khám phá, tìm hiểu những giống trái cây ngon – bổ như xoài cát, bưởi, nhãn, cam sành, cam mật, ổi, táo, quýt, mít, mận,…Đến với miệt vườn Cái bè, ngoài việc thăm những vườn trái cây sum sê trĩu quả, bạn còn được dịp thưởng thức tất cả các loại trái cây đặc sản ngon nhất nhì cả nước.

Miệt vườn Vĩnh Kim, Tiền Giang

Miệt vườn Vĩnh Kim thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, là nơi nổi tiếng với vú sữa Lò Rèn thơm ngon, căng tròn, vỏ mọng. Ngoài ra, nơi đây còn có sầu riêng, chôm chôm, bưởi,…cũng tươi ngon không kém.

Miệt vườn Cái Mơn, Bến Tre

Miệt vườn Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, là vựa trái cây nổi tiếng khắp vùng miền Nam, được Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước. Các loại trái cây ngon nổi tiếng tại đây là sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh Hai Hoa, sầu riêng cơm vàng, sữa hạt lép Chín Hóa,…

Miệt vườn Vĩnh Long

Miệt vườn Vĩnh Long cũng thu hút du khách bởi vườn trái cây sai quả như chôm chôm, cam sành Tam Bình, sầu riêng, quýt đường, xoài,…

Miệt vườn Mỹ Khánh, Cần Thơ

Để đến được miệt vườn Mỹ Khánh, bạn đi từ TP Cần Thơ theo quốc lộ 1 về hướng Sóc Trăng, đến gần cầu Cái Răng rẽ phải đi thêm khoảng 6km là đến. Miệt vườn này có hơn 20 loại cây được trồng đan xen dọc lối đi như mận, xoài, chôm chôm, mít, dâu, sầu riêng,…cho bạn thưởng thức no say. Ngoài ra, tại đây còn tổ chức nhiều trò chơi vô cùng thú vị như đua heo, đua chó, xiếc khỉ, câu cá sấu,…thu hút du khách tham gia.

Mùa nước nổi

Làng nổi Tân Lập, Long An

Cách trung tâm Sài Gòn chừng 100km, làng nổi Tân Lập còn được gọi là rừng tràm Tân Lập thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An thu hút du khách bởi khung cảnh thanh bình, không khí dễ chịu hệt như một miền cổ tích với ánh năng xuyên qua tán cây, tiếng rì rào của lá và tiếng hót của chim,…Đặc biệt, đến làng nổi Tân Lập vào tháng 10, 11 để có cơ hội ngắm sen nở vô cùng đẹp.

Rừng tràm Trà Sư, An Giang

Cách TP Châu Đốc khoảng 30km, rừng tràm Trà Sư là khu bảo tồn hệ sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo nhất của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ven sông Cửu Long. Nơi đây đẹp nhất vào mùa nước nổi, khoảng tháng 9 đến tháng 11 với hình ảnh những mảng bèo cám phủ xanh cả một vùng.

Búng Bình Thiên, An Giang

Cũng cách Châu Đốc khoảng 30km, búng Bình Thiên còn được gọi là hồ nước trời thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang. Nơi đây cực đẹp với khung cảnh lãng mạn, thơ mộng lúc sáng sớm và huyền hoặc, ảo diệu khi chiều tà.

Cánh đồng Tà Pạ, An Giang

Cánh đồng Tà Pạ thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nơi đây nổi bật bởi cảnh sắc thiên nhiên êm đềm, thơ mộng với những cánh đồng lúa xanh ngắt hút tầm mắt cùng những hàng thốt nốt cao vút hiên ngang giữa trời.

Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp

Vườn quốc gia Tràm Chim là địa danh du lịch nổi tiếng nhất nhì các tỉnh Nam Bộ. Nơi đây quy tụ rất nhiều các loại động thực vật quý hiếm, đặc biệt là loại sếu đầu đỏ được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. Ngoài ra, cảnh sắc thiên nhiên, những khu rừng đước, những cánh đồng sen cũng vô cùng ấn tượng.

Đầm Thị Tường, Cà Mau

Đầm Thị Tường còn được gọi là đầm Bà Tường nằm giữa 2 huyện Phú Tân và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây là một trong những đầm nước tự nhiên có diện tích lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với mệnh danh là “biển Hồ giữa đồng bằng”, thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên vô cùng đẹp, hệt như một bức tranh thủy mặc thơ mộng và hữu tình khi sáng sớm lẫn lúc chiều tà.

Mùa giáp Tết

Làng hoa Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp

Tân Quy Đông ở Sa Đéc là một trong những vùng trung tâm hoa kiểng của miền Nam cung cấp hoa Tết cho du khách trong vùng và quanh khu vực. Nơi đây ngập sắc hoa với cúc mâm xôi, đại đóa, đồng tiền, vạn thọ, thược dược, hoa dâm bụt, mãn đình hồng, ớt kiểng,…Đến làng hoa Tân Quy Đông mùa giáp Tết, du khách như lạc vào thiên đường hoa vừa thỏa sức tham quan, ngắm hoa và chụp ảnh kỉ niệm.

Làng mai Phước Định, Vĩnh Long

Cách trung tâm TP Vĩnh Long khoảng 3km, làng mai Phước Định nổi tiếng là địa chỉ cung cấp mai vàng chất lượng có tiếng trong cả nước.

Làng hoa Mỹ Tho, Tiền Giang

Cách trung tâm Sài Gòn khoảng 70km, làng hoa Mỹ Tho là nơi thu hút du khách đến ngắm hoa và chụp ảnh mùa giáp Tết. Đa dạng các loại hoa với màu sắc tươi sáng, bắt mắt sẽ là điểm cộng không thể chối từ của nơi đây.

Làng cây kiểng Chợ Lách – Cái Mơn, Bến Tre

Làng hoa Chợ Lách – Cái Mơn được mệnh danh là “vương quốc hoa kiểng – cây ăn trái” nổi tiếng khắp cả nước. Nơi đây có vô số các loại hoa tết, cây kiểng tết vô cùng bắt mắt, đa dạng đủ chủng loại.

Làng hoa Thới Nhựt, Cần Thơ

Làng hoa Thới Nhựt còn gọi là làng hoa Bà Bộ đã có hơn 100 năm tuổi. Nơi đây nổi tiếng với các loại hoa và cây cảnh phục vụ dịp tết như mai, cúc, thược dược, hướng dương,…

Du lịch tâm linh

Miếu Bà Chúa Xứ, Châu Đốc, An Giang

Miếu Bà Chúa Xứ nằm tại núi Sam, thuộc huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là di tích nổi tiếng thu hút gần 2 triệu lượt khách thăm viếng hàng năm; họ đến đây để cúng bái, tham quan, hành hương, du lịch,…

Chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang

Chùa Vĩnh Tràng nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là ngôi chùa nổi tiếng tại Nam Bộ, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Du khách đến đây ngoài mục đích hành hương còn là dịp để tham quan, tìm hiểu những thông tin về lịch sử, kiến trúc chùa,…

Chùa Dơi, Sóc Trăng

Cách trung tâm TP Sóc Trăng khoảng 3km về hướng Đông Nam, chùa Dơi còn gọi là chùa Mã Tộc, chùa Mahatup. Đây là quần thể kiến trúc tiêu biểu trong tín ngưỡng đồng bào Khmer. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, diễm lệ của ngôi chùa cổ hơn 400 năm tuổi, được khám phá nét huyền bí của thiên nhiên với những bầy dơi treo mình trên những tán cây khắp khuôn viên chùa.

Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam, Cần Thơ

Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 15km, Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam thuộc khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung thuộc ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Đây là điểm du lịch đậm tính tâm linh cho chuyến hành hương của bạn, đồng thời cũng là địa danh có phong cảnh thiên nhiên thanh bình, tĩnh lặng.

Chợ nổi

Chợ nổi là “đặc sản” của vùng sông nước, trở thành “sản phẩm du lịch” độc nhất cực kì thú vị thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.

Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ

Từ Bến Ninh Kiều, bạn đi tàu máy mất khoảng 30 phút theo dòng sông Hậu xuôi về Chợ nổi Cái Răng. Chợ hoạt động vào buổi sáng, từ 5h đến 9h, chuyên buôn bán các mặt hàng nông sản, trái cây các loại, hàng hóa, thực phẩm,…Đây không chỉ là nét văn hóa đặc sắc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà còn là niềm ao ước được một lần trải nghiệm của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang

Nằm ở đoạn sông Tiền Giang giáp ranh giữa 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre, Chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Nơi đây bày bán đa dạng các mặt hàng, từ hàng vải, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản, đồ ăn, thức uống,…Đặc biệt, chợ nổi Cái Bè được biết đến là nơi trao đổi trái cây lớn nhất tỉnh Tiền Giang với vú sữa Lò Ren, bưởi da xanh, khóm Tân Lập, cam, bưởi, quýt Cái Bè,…

Chợ nổi Ngã Bảy, Hậu Giang

Chợ nổi Ngã Bảy còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp thuộc thị xã Ngã Bảy, là chợ nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, chuyên mua bán, trao đổi hàng hóa các loại. Ngoài ra, đây cũng là nơi thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức những loại trái cây thơm ngon nhất vùng như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng,…Đặc biệt, ở chợ nổi còn có chợ rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà,…vô cùng thú vị.

Chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng

Chợ nổi Ngã Năm thuộc phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Đây là nơi neo đậu chờ lấy hàng của thương lái đến từ nhiều vùng miền (như Cà mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp,…), do đó cảnh chợ vô cùng tấp nập, đông vui. Đặc biệt, chợ hoạt động cả ngày phục vụ người dân và du khách.

Chợ nổi Long Xuyên, An Giang

Chợ nổi Long Xuyên thuộc phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đây là nơi tập trung hàng trăm ghe xuồng neo đậu, sinh hoạt và buôn bán quanh năm. Hàng hóa chủ yếu tại đây là các loại hoa màu như rau, dưa, cà, cải, bí, khoai,…và các món ăn vặt như bún cá, bánh tầm, bánh da lợn,…

Ẩm thực đặc sản miền Tây

Lẩu cá linh bông điên điển

Cá linh là loài cá quen thuộc của dân miền Tây, khi ăn có vị vô cùng lạ. Có nhiều cách chế biến món cá linh như: cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm ruốc, kho mía, kho khóm, canh chua cá linh,…món nào cũng ngon và hấp dẫn. Đặc biệt, lẩu cá linh bông điên điển là món ăn không thể bỏ qua nếu có dịp đến miền Tây. Tuy chỉ là món ăn bình dị nhưng lại vô cùng ngon, từ màu sắc, mùi thơm cho đến hương vị. Bạn có thể tìm đến thưởng thức tại bất cứ đâu tại miền sông nước nhưng Đồng Tháp, Long An, An Giang, Cần Thơ là những nơi nổi tiếng nhất với món ăn này.

Lẩu mắm

Lẩu mắm là món ăn dân dã quen thuộc tại Cần Thơ, được xếp vào hàng những món ngon nhất nhì miền Tây sông nước mà không một du khách nào từ chối mỗi dịp ghé thăm. Mắm sặc hay mắm cá linh ở xứ Châu Đốc – An Giang là nguyên liệu chính làm nên hương vị thơm ngon cho món ăn này; nước lẩu thì được nấu từ mắm với nước dừa hoặc nước hầm xương heo.

Chuột đồng

Món ăn nghe có vẻ không được vừa tai cho lắm nhưng lại là đặc sản nổi tiếng tại đây. Thịt chuột đồng thơm, béo, dai, ngọt,…ai ăn vào cũng tấm tắc khen ngon. Món này khá nổi tiếng tại các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ.

Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui là món ăn đặc sản của khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chỉ cần xiên một cành tre tươi dọc theo thân cá rồi cắm ngược đầu xá xuống đất, sau đó chất rơm lên và đốt chín là xong. Ăn cá cùng một ít muối ớt, dăm loại rau vườn, thêm ly rượu đế thì hết sảy.

Bún nước lèo

Món ăn này cũng thuộc vào hàng ngon có tiếng tại đây, nổi tiếng nhất là tỉnh Sóc Trăng. Nước lèo được nấu bằng mắm cá lóc, mắm cá bông hoặc mắm cá sắc đã được lược xác cẩn thận; thêm chút nước dừa tươi hay củ ngải bún tạo nên hương vị đặc trưng cho miền Tây sông nước.

Bún cá

Món ăn phổ biến với bún cá Châu Đốc, bún cá Kiên Giang, bún cá Sóc Trăng,…được chế biến từ những con cá lóc béo tròn trên sông hay trên đồng ruộng.

Hủ tiếu

Hủ tiếu là một trong những món ăn làm nên “thương hiệu” vùng miền tại đây. Nước lèo trong veo, thơm mùi mực nướng, mùi tôm khô, mùi hành phi,…được hầm từ xương ống, giò heo và sườn non chặt miếng. Sợi hủ tiếu thì nhỏ rứt như sợi bún, dai vừa nhưng không bở. Món ăn này nổi tiếng nhất tại Mỹ Tho và Sa Đéc.

Một số lễ hội đặc sắc ở miền Tây

Lễ hội Bà Chúa Xứ, An Giang

Được tổ chức từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch, lễ hội gồm 2 phần. Phần lễ gồm 4 lễ chính là lễ rước 4 bài vị từ lăng Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà, lễ Túc Yết, lễ Xây Chầu – Hát Bội và lễ Chính Tế. Phần hội diến ra đan xen với phần lễ với rất nhiều các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén,…thu hút nhiều du khách, tín đồ Phật Tử đến cầu tài lộc, tham quan, trải nghiệm.

Lễ hội đua bò bảy núi, An Giang

Được tổ chức vào khoảng từ 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch (nếu tháng thiếu thì từ 29/8 đến mùng 2/9 âm lịch) là một lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer.

Lễ hội Ok om bok, Sóc Trăng và Trà Vinh

Được diễn ra vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch hằng năm tại sân chùa của mỗi phum sóc ở 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Đây là một lễ hội của người Khmer, là lễ cúng trăng, tạ ơn và cầu cho mùa màng tốt tươi.

Lễ hội Chol Chnam Thmay

Được diễn ra vào giữa tháng 4 vào kéo dài trong 3 ngày, Chol Chnam Thmay (hoặc Chaul Chnam Thmay) là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Lúc này người dân dọn dẹp, trang trí nhà cửa thật đẹp, chuẩn bị thức ăn, bánh trái, trẻ em thường được mua cho quần áo mới.

Một số lưu ý khi du lịch miền Tây sông nước

Nên tìm hiểu trước hành trình, điểm dừng chân, nghỉ ngơi và điểm tham quan

Miền Tây có nhiều chùa và miếu do đó khi tới những nơi này các bạn nên ăn mặc chỉnh tề và trang nhã, tuân thủ theo các quy định của địa phương. Nếu đi vào đúng dịp lễ hội nên đi đông người tránh lạc đường, đặc biệt đề phòng kẻ gian móc túi.

Nhớ mang theo những vật dụng cần thiết cho chuyến đi như các loại thuốc chuyên dụng, kem chống muỗi, côn trùng, mũ nón các kiểu

Quan trọng nhất là luôn nhớ mặc áo phao khi di chuyển bằng đường thủy để đảm bảo an toàn.

Theo Travelmart.vn

Ảnh nguồn Internet

Bình luận