Bỏ túi 9 thông tin bổ ích khi tham quan Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt
Thiền viện Trúc Lâm là một trong 3 Thiền viện lớn nhất Việt Nam thuộc dòng Yên Tử
Là một trong 3 Thiền viện lớn nhất Việt Nam thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm không chỉ là địa điểm tôn giáo mà nơi đây còn thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan bởi lối kiến trúc độc đáo hòa cùng phong cảnh của núi rừng Đà Lạt, khiến cho du khách như chìm đắm vào chốn bồng lai.
Đôi nét về Thiền viện Trúc Lâm
Thiền viện được khởi công xây dựng vào năm 1993 và hoàn thành sau đó một năm. Công trình do kiến trúc sư Vũ Xuân Hồng và Trần Đức Lộc vẽ, bên cạnh đó còn có sự tư vấn của kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ - người đã thiết kế Dinh Độc Lập, TP Hồ Chí Minh.
Thiền viện Trúc Lâm là nơi tu tập của rất nhiều tăng ni phật tử
Bố Cục kiến trúc của Thiền viện được chia làm 4 khu vực chính: khu hòa thượng viện trưởng, khu nội viện tăng, khu nội viện ni và khu ngoại viện. Người nắm giữ chức trụ trì đầu tiên của Thiền viện cũng là người lên ý tưởng thiết kế và quy hoạch ngôi Thiền viện này chính là Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Cho tới bây giờ người trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt đó chính là vị Thượng Tọa Thích Thông Phương.
Thiền viện Trúc Lâm nằm ở đâu?
Cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km về phía Nam, Thiền viện Trúc Lâm với diện tích hơn 30ha nằm trên đồi Phụng Hoàng, thuộc phường 3 thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Số điện thoại liên hệ
Nếu bạn đang có ý định xin tá túc tại chùa hoặc thông tin về các khóa tu tại chùa thì có thể liên hệ qua số: 0263 3827 565
Lưu ý: Hiện nay thì nhà chùa vẫn chưa có trang web cũng như Fanpage chính thức cho nên có rất nhiều trang giả mạo gây mất uy tín cũng như đăng sai thông tin của chùa.
Giờ mở cửa và giá vé tham quan
Thiền viện Trúc Lâm mở cửa hoàn toàn miễn phí đón du khách từ 5h00 sáng đến 21h00 tối tất cả các ngày trong tuần. Còn nếu du khách có nhu cầu muốn ở lại qua đêm thì cần phải được sự đồng ý từ phía nhà chùa.
Giá vé cáp treo
Hiện tại thì du khách có rất nhiều lựa chọn đi lên Thiền viện Trúc Lâm như xe máy, oto hay cáp treo. Nếu đi theo cáp treo giá vé sẽ là 70.000 vnd/ vé khứ hồi hoặc 50.000 vnd/vé 1 chiều.
Du khách có thể trải nghiệm cảm giác ngắm núi rừng Đà Lạt từ cáp treo
Đường đi đến Thiền viện Trúc Lâm
Có 2 cung đường cho du khách lựa chọn, đó là đi theo đường Dinh 3 Bảo Đại, hoặc đi theo cung đường xuống đèo Prenn. Ngoài ra du khách có thể chọn đường đi bằng cáp treo Đà Lạt.
Từ Chợ Đà Lạt, du khách đi theo hướng xuống đèo Prenn (đoạn đèo đẹp nhất của xứ sở ngàn hoa) - Đi xuống đèo khoảng tầm hơn 1 km thì rẻ đi theo đường Trúc Lâm Yên Tử - Đi hết đường đó du khách sẽ đến được Thiền viện Trúc Lâm.
Du khách cũng có thể chọn đi theo bản đồ dưới đây để đi đến Thiền viện Trúc Lâm và các địa điểm khác như Hồ Tuyền Lâm, Thác Datanla.
Bản đồ đường đến Thiền Viện Trúc Lâm đi qua các địa danh du lịch (Ảnh nguồn: SalaDalatHotel)
Tham quan Thiền viện Trúc Lâm
Khi xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, các nhà kiến trúc sư đã thiết kế và chia Thiền viện thành 4 khu vực chính. Trong đó có các khu nội ni, khu nội tăng, khu tịnh thất hòa thượng và khu hòa thượng viện trưởng, đây đều là những khu vực chính trong Thiền viện. Tuy nhiên du khách không được vào hai khu vực đó là khu nội ni và khu nội tăng.
Sơ đồ các khu vực của Thiền viện Trúc Lâm
Khu nội viện
- Chánh điện của Thiền viện Trúc Lâm có diện tích 192 m2 bên trong thờ đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cao 2 m, tay phải ngài cầm cành hoa sen đưa lên theo điển tích “Niên Hoa Vi Tiếu” của nhà Phật, ở phía trên chánh điện có các bức phù điêu chạm khắc tinh xảo về 8 tướng thị hiện của Đức Phật. Bên trái của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn có tượng Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà còn bên phải là tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi Sư tử.
Khu vực chánh điện của THiền viện thu hút rất nhiều du khách đến dâng hương
- Bên ngoài chánh điện là lầu trống và lầu chuông, bên trong lầu chuông là quả đại hồng chung nặng 1,1 tấn có khắc những bài kệ có ý nghĩa đạo lý rất cao. Được gọi là Tham Vấn Đường nơi đây được dùng làm nơi để các phật tử và Tăng Ni nghe hòa thượng giảng thiền vào các ngày 14 và 19 âm lịch trong tháng. Trong Thiền viện này còn có nhà khách, vườn Tổ, thư viện và phòng trưng bày.
Khu ngoại viện
Khu ngoại viện ở nơi đây có rất nhiều loại cây trồng độc đáo bắt mắt. Ngoài ra Thiền viện còn tọa lạc trên một ngọn núi cao hùng vĩ thơ mộng. Chính diện là khu vực hồ Tuyền Lâm Đà Lạt, nơi thu hút rất nhiều khách du lịch.
- Rời chánh điện đi ra khu vực vườn hoa có rất nhiều các loại hoa đẹp như cẩm tú cầu, xác pháo…. và một giàn hoa móng cọp tuyệt đẹp rất được du khách thích thú chụp hình kỉ niệm.
Khu vườn hoa đẹp lung linh là điểm nhấn của Thiền viện
- Từ vườn hoa du khách đi xuống phía dưới chùa là Hồ Tĩnh Tâm, nuôi rất nhiều loại rùa cảnh, nước luôn trong xanh quanh năm, xung quanh có rất nhiều ghế đá và chòi để du khách nghỉ ngơi.
Các địa điểm tham quan gần kề
- Thác Datanla: Từ ngã ba tượng phật vàng đi thẳng 100m theo đèo Prenn là điểm du lịch thác Datanla.
- Hồ Tuyền Lâm: Từ Thiền viện bạn có thể đi bộ 140 bậc thang đá để có thể đến hồ. Tuy nhiên đối với những người già hoặc sức khỏe không tốt có thể xuống hồ bằng đường lớn hai bên Thiền viện. Đây là một hồ đẹp với phong cảnh hai bên là rừng thông cùng với mặt nước xanh ngát tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng thơ mộng.
Hồ Tuyền Lâm với phong cảnh thơ mộng đúng chất Đà Lạt
- Cáp treo Đà Lạt: Du khách sẽ được ngắm nhìn phong cảnh rừng núi Đà Lạt từ trên cao, với chiều dài 2,3km cáp treo nằm ngay đầu đèo Prenn.
- Đường hầm điêu khắc: Là nơi check in được rất nhiều các bạn trẻ ưa thích, nơi đây còn được gọi là đường hầm đất sét vì các tác phẩm ở đây đa phần được điêu khắc từ đất đỏ nơi đây. Đường hầm điêu khắc nằm cách Thiền viện Trúc Lâm 5km.
Một số điểm ăn uống, nghỉ ngơi
Phía bên ngoài của Thiền viện có rất nhiều các hàng ăn uống và cửa hàng đồ lưu niệm, du khách có thể chọn dừng chân nghỉ ngơi tại đây.
Du khách cũng có thể lựa chọn dùng bữa tại nhà hàng cáp treo gần cổng Thiền viện hoặc các nhà hàng ven hồ Tuyền Lâm.
Nếu muốn trải nghiệm cuộc sống thanh tịnh bạn có thể liên hệ nhà chùa và xin được tá túc hoặc đăng ký khóa tu tại đây.
4 lưu ý khi tham quan Thiền viện Trúc Lâm
- Đường để lên Thiền viện có một phân đoạn khá nguy hiểm và khá dốc, nếu đi theo đoàn có người lớn tuổi thì không nên đi đường này mà hãy đi vòng phía sau Thiền viện, đường này thì dễ đi hơn, tránh đi xuống hồ Tuyền Lâm lối có 140 bậc thang.
- Thiền Viện Trúc Lâm là nơi tu hành của các phật tử, là nơi thanh tịnh và yên tĩnh nên du khách cần đi nhẹ và nói khẽ, không chạy nhảy và đùa giỡn, không tụ tập và buôn bán trong khuôn viên, khi đến Thiền viện nên ăn mặc lịch sự và có văn hóa.
- Không được chụp ảnh và ghi hình trong chánh điện, bỏ giày dép bên ngoài khi hành hương.
- Thiền Viện có một số khu vực cấm du khách nên cần chú ý không vào đó: khu nội tăng và khu nội ni.
Thiền viện Trúc Lâm là địa điểm lý tưởng không thể bỏ qua khi đến tham quan Đà Lạt
Hy vọng thông qua những chia sẻ của Travelmart.vn ngày hôm nay sẽ giúp các bạn có thêm những thông tin bổ ích về Thiền viện Trúc Lâm để biết đâu, một ngày nào đó khi du lịch đến Đà Lạt bạn có thể ghé thăm nơi đây, ngắm nhìn cảnh đẹp của núi rừng và đắm chìm trong không gian của chốn linh thiêng.
Văn Trung.