10+ Kinh nghiệm leo núi an toàn cho phượt thủ
Bạn đã có kinh nghiệm leo núi an toàn?
Tuyệt đối không đi một mình, cần có người bản địa đi cùng, chọn thời gian - địa điểm hợp lý, nhất định phải có đồ bảo hộ… là những điều cơ bản nhất mà bất kỳ phượt thủ nào cũng cần lưu ý để đảm bảo chuyến đi an toàn. Dưới đây là kinh nghiệm leo núi an toàn được Travelmart.vn tổng hợp từ chia sẻ chi tiết nhất của những phượt thủ giàu kinh nghiệm.
#Rèn luyện thể lực
Leo núi là hoạt động đòi hỏi người tham gia phải có thể lực tốt, sức bền và sự dẻo dai cao. Do đó, nếu có ý định chinh phục những ngọn núi cao, cần đảm bảo bạn có sức khỏe tốt và thể lực cường tráng. Hãy lên kế hoạch luyện tập thể lực từ trước chuyến đi ít nhất 1 tháng để có đủ thời gian tập luyện và nâng cao. Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì thói quen thể dục thể thao để luôn sẵn sàng cho những chuyến đi khác nữa.
#Chọn thời gian đi
Theo nhiều “chuyên gia”, khoảng thời gian đẹp nhất để leo núi là từ cuối tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Vì lúc đó, thời tiết khô ráo, ít xảy ra những trường hợp như mưa, sương mù, lũ quét, sạt lở…
Trước khi lên kế hoạch chinh phục bất kỳ ngọn núi nào, bạn cần thường xuyên cập nhật và nắm bắt tình hình thời tiết bằng cách theo dõi các dự báo, thăm hỏi người dân địa phương… Lưu ý: leo núi là hoạt động trải nghiệp tuyệt đối không theo kiểu “nổi hứng” là cứ thế “xách ba lô lên và đi”
Khoảng thời gian đẹp nhất để leo núi là từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau
#Chọn thời gian trải nghiệm
Bên cạnh yêu cầu kỹ lưỡng về thời gian bắt đầu chuyến đi; độ dài chuyến trải nghiệm là bao nhiêu ngày cũng vô cùng quan trọng. “Khoảng thời gian an toàn nhất cho việc leo núi của những người lần đầu trải nghiệm thường là 2 ngày 3 đêm hoặc 2 ngày 1 đêm. Thời gian như thế này là hợp lý để bạn kịp thích nghi và cân bằng được sức lực khi trở về. Nếu đi quá dài ngày sẽ rất dễ bị sốc và khó đảm bảo được sức khỏe.” – chia sẻ từ một phượt thủ dày dạn kinh nghiệm.
#Chọn địa điểm
Nếu bạn lần đầu trải nghiệm loại hình này hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý sự cố thực tế, hãy nên chọn những ngọn núi quen thuộc, không quá cao, không có độ nguy hiểm quá lớn, ít vực sâu và đặc biệt đã có review từ những người đi trước…
Có thể tham khảo lựa chọn chinh phục một số ngọn núi phổ biến của dân phượt như: Fansipan, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên, Pu Ta Leng, Lảo Thẩn, Tà Xùa... Ngoài ra còn có núi Bà Đen, núi Chúa, núi Chứa Chan, núi Tà Cú, núi Cấm, Langbiang, Tà Năng - Phan Dũng… cho những ai thích trekking dài ngày.
Bạch Mộc Lương Tử là một trong những ngọn núi được dân phượt lựa chọn chinh phục nhiều nhất
#Tại không không nên leo núi một mình?
Đây là thắc mắc chung của rất nhiều người. Gần như mọi phượt thủ nào, dù là người giàu kinh nghiệm, cũng không tán thành việc leo núi một mình, nhất là những địa điểm lạ lẫm lần đầu chinh phục, việc không nắm vững địa hình sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố (đi lạc, mất an toàn…) rất cao. “Trong mỗi chuyến leo núi nhất thiết phải có một người dân bản địa am hiểu địa hình đi cùng để hỗ trợ; trung bình cứ 3 du khách sẽ phải có 1 người địa phương. Họ sẽ giúp mình mang hành lý, chỉ đường và xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra trên cung đường đi.”
#Chuẩn bị vật dụng mang theo
Các vật dụng tối thiểu cần thiết cho một chuyến leo núi thành công và an toàn cần phải có: giày leo núi (chống trơn trượt), găng tay, trang phục thoải mái cho việc di chuyển, thuốc men (đau bụng, đau đầu, sốt, cảm, chống côn trùng…), dây thừng chuyên dụng, dao, đèn pin, sạc dự phòng, nước và thực phẩm khô và một số dụng cụ bảo hộ khác… Hành lý mang đi nên gọn nhẹ, thiết yếu
Hành lý mang theo khi leo núi cần gọn nhẹ, chỉ mang những đồ thiết yếu nhất
#An toàn trong quá trình leo núi
- Khi leo qua vách đá cần leo từ từ, cố gắng bám thật chặt để có thế trụ vững rồi mới di chuyển tiếp
- Tìm đến những điểm tiếp vách quen thuộc của những người đi trước trên đường leo
- Nếu leo bằng dây thì nhất thiết phải có 2 dây, 1 dây bám để di chuyển, dây kia cột vào người như là dây bảo hiểm.
- Nếu gặp sự cố trong quá trình leo núi cần hết sức bình tĩnh để xử lý vấn đề. Tùy tình hình thực tế mà tự xử lý hoặc nhờ hỗ trợ từ những người đi cùng.
#Một số lưu ý khác
- Không phải là người sợ độ cao hay có tiền sử các bệnh về tim mạch, huyết áp
- Tinh thần thoải mái, thực sự tự tin và tin tưởng vào khả năng của bản thân
- Không hoảng loạng, sợ hãi khi xảy ra sự cố; bình tĩnh và tìm cách xử lý vấn đề
- Trước khi bắt đầu chuyến đi, cần phải xin phép và thông qua chính quyền; khai báo rõ ràng với đồn biên phòng khu vực về số lượng người, thời gian đi-về…
- Tuyệt đối tuân thủ quy định của trưởng đoàn hay người hướng dẫn
- Không tách đoàn hay có thái độ bất mãn, thiếu hợp tác trong quá trình leo núi
- Tuyệt đối không thực hiện chuyến đi khi thời tiết xấu như mưa bão, sương mù dày đặc, lũ quét, sạc lở…
Nên lên kế hoạch leo núi kỹ lưỡng từ thời gian đi-về, sức khỏe, địa điểm, hành lý...
Trên đây là một số kinh nghiệm leo núi an toàn được đúc kết thực tế từ các phượt thủ nhiều trải nghiệm. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn, giúp hoàn thiện kiến thức và kinh nghiệm leo núi an toàn cho chuyến đi sắp tới.
Hồng Thy